DU LỊCH SỐ
Thủ phủ rươi Tứ Kỳ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm
13/06/2023 12:00:00

Hải Dương - Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm, huyện Tứ Kỳ đã thu được những kết quả rất khả quan.

Huyện Tứ Kỳ đang phát triển mạnh phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm

Trong bức tranh chung phát triển nông nghiệp hữu cơ của cả nước, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã và đang chú trọng phát triển "xu thế thời đại" kết hợp với những điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tất cả được gói gọn trong "Báo cáo kết quả và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm huyện Tứ Kỳ" của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, bà Vũ Thị Hà.

I. KHÁI QUÁT CHUNG

  1. Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

- Về sản xuất nông nghiệp

Tứ Kỳ là một huyện nằm tại vị trí trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hải Dương, một vùng quê mang dấu ấn văn hóa phù sa châu thổ vùng hạ lưu sông Thái Bình và cuối nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải. Huyện có 22 xã và 01 thị trấn, trung tâm hành chính của huyện cách thành phố Hải Dương 15 km; diện tích tự nhiên 165,3 km2; dân số trên 170.000 người.

Toàn huyện có trên 9.200 ha đất nông nghiệp, chiếm 55% tổng diện tích đất tự nhiên. Đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao; 137ha lúa, chuối, cây ăn quả, rau tại An Thanh được chứng nhận hữu cơ, sản lượng 1.182 tấn/năm; trên 20 ha rau quả được chứng nhận VietGAP, 10ha chuối thâm canh cao được chứng nhận GlobalGAP, trên 100ha sản xuất thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP; 296ha liên vùng nuôi trồng thủy sản đang được hoàn thiện để trình UBND tỉnh năm 2022 công nhận vùng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện chú trọng xây dựng xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 13.000ha/năm, sản lượng đạt 80.000 tấn/năm. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy ở 100% xã, thị trấn, dự kiến đến năm 2025 đạt trên 35% diện tích; hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với phương thức canh tác truyền thống. Tứ Kỳ có diện tích, năng suất và sản lượng chuối các loại đứng đầu tỉnh, diện tích 700 ha, sản lượng trên 30.000 tấn/năm được tiêu thụ trong nước và 80% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 25ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 10ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Huyện có những vùng rau màu chuyên canh thâm canh cao truyền thống tại Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn, Nguyên Giáp,... diện tích 3.800ha, sản lượng trên 200.000 tấn/năm với các sản phẩm chủ lực là cải bắp, su hào, súp lơ, khoai tây, ớt; có trên 20ha rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện có 5 cơ sở sản xuất nấm ăn trong nhà màng, nhà lưới công nghệ cao diện tích 4ha; Công ty TNHH nấm Hải Dương tại xã Quang Phục với 2ha, đứng đầu tỉnh về diện tích và sản lượng; năm 2021, 04 sản phẩm nấm rơm, nấm sò, nấm hương, nấm đông trùng hạ thảo được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện có số lượng gia cầm đứng thứ hai toàn tỉnh về tổng đàn và số lượng trang trại. Trong đó, 16 trang trại được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 01 trang trại chăn nuôi gia cầm, bò thịt Công ty An Thắng xã Dân Chủ sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, là 1 trong những cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đầu tiên của tỉnh. Sản phẩm Chim Bồ Câu Pháp thảo dược của HTX Thủy Phát, được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap, chất lượng cao, được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định tại các hệ thống siêu thị sản lượng 1 vạn con/năm, đạt chứng nhận Ocop 3 sao năm 2021, có tiềm năng lớn để mở rộng.

Trong lĩnh vực thủy sản, toàn huyện có 66 vùng sản xuất, tổng diện tích 1.800 ha, năng suất đạt từ 10-15 tấn/ha, cá biệt có vùng đạt 35-40 tấn/ha, tổng sản lượng trên 25.000 tấn/năm; giá trị đạt trên 400 triệu/ha, cao nhất tỉnh về diện tích, cho năng suất, sản lượng, hiệu quả cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Năm 2018, HTX thủy sản Xuyên Việt đã xây dựng mô hình công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” tại xã Dân Chủ, năng suất cao gấp 5-7 lần so với nuôi cá truyền thống, là mô hình điểm cho người sản xuất nhiều nơi đến thăm quan học tập kinh nghiệm. Năm 2021, huyện triển khai xây dựng vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao liên vùng 3 xã Tái Sơn-Quang Phục-Tân Kỳ với diện tích 296 ha đứng đầu tỉnh theo tiêu chuẩn của Quyết định 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đã xây dựng thành công mô hình ao nổi nuôi trồng thủy sản và nhân rộng toàn huyện, đến nay đạt 240 ha. Toàn huyện có 985 lồng, sản lượng đạt trên 3.600 tấn/năm, đứng thứ ba trên toàn tỉnh về số lượng lồng nuôi.

- Về kết quả xây dựng nông thôn mới:

Đến tháng 6 năm 2021, toàn huyện có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1811/QĐ-TTg công nhận Huyện Tứ Kỳ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Diện mạo của vùng quê nghèo thay đổi hoàn toàn. Hệ thống giao thông thông suốt, thuận tiện; trường học được nâng cấp khang trang, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung, hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng đáng kể đạt 45,2% (trước xây dựng NTM là 32,06%), Thương mại - Dịch vụ 30,8% (trước xây dựng NTM là 32,74%); Nông nghiệp, thuỷ sản giảm còn 24,1% (trước xây dựng NTM là 35,2%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,57%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

  1. Đặc điểm tình hình xã An Thanh

An Thanh có diện tích tự nhiên 1.050ha, dân số 9.600 người, gồm 3 thôn Thanh Kỳ, An Lao, An Định. Xã An Thanh được biết đến là địa phương giàu truyền thống văn hóa, có Đình Thanh Kỳ và chùa Khánh Vân có lịch sử khoảng 300 năm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, thôn Thanh Kỳ có nghề truyền thống dệt chiếu cói, đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2005. Mặc dù, làng nghề đã bị mai một do ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế- xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng vẫn luôn là niềm tự hào của người dân thôn Thanh Kỳ nói riêng và người dân xã An Thanh nói chung khi nhắc, nhớ về địa phương mình.

Xã An Thanh có vị trí địa lý đặc biệt, được bao bọc xung quanh bởi 3 dòng sông (sông Thái Bình, sông Dừa, sông Bình Hàn); nằm trên trục phát triển Sông Thái Bình, trục Đông - Tây, 2 trong 3 trục phát triển của tỉnh Hải Dương. Được bồi đắp bởi phù sa sông Thái Bình từ ngàn xưa nên đồng đất màu mỡ với nhiều kênh rạch, sông hồ, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, thuận lợi phát triển nông nghiệp. Trong lịch sử, An Thanh là nơi có truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, những năm đầu thập niên 1960, xã là một trong những địa phương đi đầu của toàn tỉnh, dẫn đầu phong trào "5 tấn". Người dân An Thanh cần cù chịu khó đồng thời rất tích cực hưởng ứng việc áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã trên 627 ha. Trong đó, đặc biệt có diện tích bãi ngoài đê sông Thái Bình137 ha màu mỡ, là vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp sản xuất đặc sản Rươi, Cáy lớn nhất huyện và lớn nhất tỉnh, chất lượng nổi tiếng mà không phải nơi nào cũng có được, đã được chứng nhận hữu cơ.

An Thanh đã hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. An Thanh phấn đấu hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao trước 2025, NTM kiểu mẫu theo hướng xanh, thông minh, hiện đại. Trong đó, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung, hữu cơ, bền vững gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Đảng ủy xã đã xây dựng Đề án “Quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi bền vững giai đoạn 2021 – 2025” nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt khai thác tiềm năng nguồn lợi con đặc sản rươi, cáy.

Quy hoạch chung xã đến 2030 đã được phê duyệt, An Thanh nằm trên đường trục đông tây của tỉnh, nối các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ sang huyện Thanh Hà, lên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, có hệ thống đường giao thông bao quanh rộng 21m, đường đôi trục xã 27m; quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Sông Sồi, Làng cổ Việt Nam, khu giới thiệu sản phẩm của địa phương, khu đỗ xe và thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng để du khách tham quan, trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ, các di tích lịch sử, văn hóa, chùa, đình...

Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội Lúa Rươi hữu cơ Tứ Kỳ vụ xuân 2022 sáng 13/6/2022

II. KẾT QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

  1. Đặc điểm sinh thái vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ huyện Tứ Kỳ

Vị trí địa lý đặc biệt giáp với cửa biển Thái Bình và Văn Úc của Thành phố Hải Phòng, tạo môi trường nước lợ độ mặn 0,3-0,5%, thích hợp cho đặc sản rươi, cáy, cà ra phát triển đã tạo ra vùng đất bãi ngoài đê sông Thái Bình, Sông Luộc màu mỡ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đặc sản 257ha tại các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Cộng Lạc, Quang Trung, Nguyên Giáp, Hà Thanh.

Dân gian lưu truyền câu ca "Tháng chín đôi mươi tháng 10 mồng 5" là nói về mùa thu hoạch rươi. Rươi được thu hoạch tập trung các tháng 9,10,11 Âm lịch hàng năm. Các món ăn chế biến từ rươi rất bổ dưỡng, giàu đạm như Chả rươi rán, Rươi đốt, Rươi nấu măng, Rươi nấu rau cải, Lẩu rươi; rươi còn chế biến thành mắn rươi dùng chấm thịt ba chỉ luộc nổi tiếng thơm ngon nên sản phẩm rươi đem lại giá trị kinh tế cao. Gía bán rươi từ 300-500 ngàn/kg. Rươi được cấp đông dùng chế biến quanh năm. Cáy mùa thu hoạch từ tháng 3-9 Âm Lịch; cáy được chế biến thành mắn cáy là loại nước chấm rất bổ dưỡng, rất "lành"; cáy còn được sử dụng nấu canh bánh đa, nấu riêu, nấu canh rau rất ngon. Cà ra (thu tháng 9,10 Âm lịch) và rạm (thu tháng 4,5 Âm lịch) cũng là đặc sản nổi tiếng của vùng này.

Để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được người nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học; bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất; chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất. Trước đây cả vùng bãi này là một cánh đồng rộng lớn, các thửa ruộng chỉ được ngăn cách bởi những bờ thửa; vùng nào có độ cao phù hợp người dân cấy lúa, vùng cao hơn có thể trồng cây đay (dùng để lấy sợi dệt chiếu cói), vùng trũng hơn thì cỏ, lau sậy mọc hoang. Sau này khi đất đai được phân chia cho người dân, dồn ô đổi thửa thành những thửa ruộng lớn, người dân đắp bờ cao, xây cống điều tiết nước (Săm) để thuận tiện cho việc khai thác rươi, cáy; phía trên bờ trồng chuối, cây ăn quả, rau; các thửa ruộng cấy lúa một vụ Xuân duy nhất trong năm, rơm rah vùi tạo hữu cơ mầu mỡ cho đất.

Vùng canh tác đặc biệt này cũng được cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường (vùng nội đồng, có sử dụng hóa chất, phân bón hóa học trong canh tác) bởi con đê cao, to và rặng tre chắn sóng. Cùng với đó, nước của sông Thái Bình thường xuyên lên - xuống, ra - vào, thông ra biển khiến cho vùng đất khá "sạch" mầm sâu bệnh.

Trong một vài năm trở lại đây, với những hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng và phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất phát triển làm nguồn thức ăn cho loài rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân lợn, phân trâu bò đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này cũng đồng thời làm tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.

  1. Kết quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Toàn huyện hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này hiện đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác (dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả), tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Đồng thời, định hướng vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm giai đoạn 2021-2025 theo Đề án phát triển du lịch của huyện. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2019, 3 sản phẩm nông nghiệp Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tiếp tục có thêm 02 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.

Thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh Hải Dương và Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025” của Huyện ủy Tứ Kỳ, UBND huyện Tứ Kỳ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, các sản phẩm chủ lực của huyện. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu các sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, việc triển khai thực hiện đã thu được một số kết quả như sau:

2.1. Chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ 137 ha ngoài bãi xã An Thanh

Đến năm 2022, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh đã có những bước đột phá.

Một là, ngoài các giống lúa truyền thống đã gieo cấy trong những năm qua, vụ Xuân 2022 có thêm giống lúa mới được đưa vào canh tác, hứa hẹn cho vụ thu hoạch đạt năng suất kỳ vọng. Đó chính là giống lúa cho sản phẩm “Gạo ngon nhất thế giới” danh hiệu được vinh danh tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 tại Phillipines - giống lúa ST25. Qua vụ mùa 2021 và vụ Xuân 2022 cho thấy đây là giống lúa ít sâu bệnh, chổng đổ tốt nhất trong các giống lúa hiện nay tại địa phương, năng suất, chất lượng gạo ST25 tại vùng nước lợ này rất thơm, dẻo, ngon, hơn hẳn các giống chất lượng đã gieo cấy trên vùng hữu cơ này từ trước đến nay.

Hai là, ngày 13 tháng 5 năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 05 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 01 ha. Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn: Lúa 450 tấn/năm, chuối 500 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 10 tấn/năm,.... Giá trị sản xuất ước đạt 500- 700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.

2.2. Cải tạo mở rộng vùng sản xuất hữu cơ

Với mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy tự nhiên, sau khi cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) được đầu tư, nâng cấp, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp và các hộ dân thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ khu vực trong đồng 294 ha thuộc 02 xã An Thanh (214 ha) và Quang Trung (80 ha).

Từ vụ Mùa 2021 đến nay, UBND huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giống, các chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật cho các hộ trong vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để cải tạo vùng kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên.

Kết quả sau 02 vụ triển khai cải tạo đến nay đã có một số hộ chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp khai thác rươi cáy và rươi đã xuất hiện ở những ruộng đã cải tạo trong đồng. Kết quả này cho thấy việc đầu tư thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy khu vực nội đồng bước đầu mang lại hiệu quả tốt, cần tiếp tục duy trì thực hiện vào thời gian tiếp theo.

2.3. Kết quả liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ

Từ năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đã liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới phối hợp với các cơ quan chuyên môn của trung ương, tỉnh, huyện xây dựng mô hình áp dụng biện pháp canh tác, hướng dẫn người dân trong việc bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm của vùng. Năm 2018, mô hình canh tác Lúa-Rươi đã đăng ký tham gia giải thưởng Vietfarm- Tự hào nông sản Việt do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (một tổ chức phi Chính phủ) tổ chức với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Ireland và đạt giải Nhất toàn quốc, được các chuyên gia Quốc tế đánh giá cao ở các yếu tố canh tác sinh thái bền vững và phát triển đặc sản địa phương. Giải thưởng này đã góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu các sản phẩm của vùng.

Năm 2022, việc liên kết sản xuất tiếp tục được duy trì và mở rộng về quy mô và đối tác. Các đơn vị kinh doanh có quy mô lớn tham gia đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty cổ phần nông nghiệp Thế hệ mới, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam,...

  1. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
  2. Tổ chức sản xuất và chứng nhận hữu cơ cho diện tích vùng sản xuất và khai thác rươi, cáy ngoài bãi hiện có còn lại 120 ha (257 ha-137 ha tại An Thanh đã chứng nhận) tại các xã Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh.
  3. Tiếp tục thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy trong đồng tại xã An Thanh, xã Quang Trung. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cải tạo 294 ha, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy lên 700ha năm 2025 và từng bước thực hiện việc chứng nhận hữu cơ cho diện tích này. Xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ tại các vùng thâm canh.
  4. Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, liên kết các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đưa vào các kênh tiêu thụ cao cấp, các sàn giao dịch điện tử, mở rộng phục vụ xuất khẩu cho các nông sản hữu cơ được chứng nhận nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho nông dân, phát triển bền vững.
  5. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phát huy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đa tầng, đa giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm ở xã An Thanh và các xã khác có đủ điều kiện.
  6. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hạ tầng và dịch vụ, đưa vào khai thác Khu du lich sinh thái Sông Sồi, Làng Cổ Việt Nam đã được quy hoạch tại xã An Thành. Thu hút các doanh nghiệp lữ hành vào phối hợp để hình thành và khai thác các tour tuyến du lịch: Làng nghề thêu ren, Đình Đền Lạc Dục, xã Hưng Đạo; Lăng bà Bổi lạng; điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ,... của huyện.
  7. Xây dựng huyện Tứ Kỳ tiếp tục là huyện sản xuất nông nghiệp là chính, có công nghiệp xanh, công nghệ cao; đồng thời trở thành huyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trọng điểm của tỉnh và là một miền quê xanh, sạch, đẹp, trù phú, đáng sống.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ:

1- Tăng cường hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có hợp đồng nâng cao hiệu kinh tế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

2- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu cho vùng sản xuất hữu cơ, vùng sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao, các di tích lịch sử, văn hóa (Đình Đền Lạc Dục, Lăng Bà Bổi lạng,...).

3 - Mời gọi và có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư xây dựng và khai thác Khu Du lịch sinh thái trải nghiệm Sông Sồi xã An Thanh, làm vùng lõi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái của huyện và của tỉnh; đồng thời, phát triển các khu sinh thái nghỉ dưỡng đồng bộ tại Khu quy hoạch tại Khu công nghiệp, đô thị tại xã Đại Sơn, Hưng Đạo; khu cho Tập đoàn Flamingo tại Bình Lãng, Tái Sơn để tạo điểm nghỉ dưỡng, vui chơi liên kết với các khu du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp./.
Nguồn: Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam 
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Dương Hà Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện

Địa chỉ: Số 02, Đường Tây Nguyên, Thị trấn Tứ Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 2020.3747224-Email: ubnd.tuky@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 2
Tháng này: 38,561
Tất cả: 685,412