Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1976 là hội viên hội phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Hà Thanh đã gắn bó với công việc ruộng đồng, chân tay từ khi còn tấm bé. Sau khi lập gia đình, sinh con cuộc sống không khá giả. Năm 2018, sau khi đi khảo sát, nắm bắt thị trường địa bàn huyện Tứ kỳ cũng như một số huyện lân cận trong tỉnh, chị Thảo nhận thấy nhu cầu thiêu thụ thỏ thịt rất lớn trong khi đó lượng cung còn rất hạn chế. Vì vậy chị quyết định mở trang trại nuôi thỏ thịt để cung cấp cho thị trường cũng như giúp gia đình có thêm thu nhập.
Ban đầu với số vốn không nhiều, chị chỉ nuôi 3, 4 chuồng. Thời gian đầu, chưa nắm vững kỹ thuật và non kinh nghiệm, chị Thảo chịu khó đi “tầm sư học nghề” ở các trại nuôi thỏ có tiếng. Vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm và mày mò học hỏi thêm qua sách báo. Giống thỏ được nuôi chủ yếu là thỏ Pháp và thỏ New Zealand. Hai giống này có nhiều ưu điểm như: phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon…Đến nay số chuồng thỏ của gia đình chị đã lên đến hơn chục chuồng, với diện tích hơn 200m2, nuôi được 250-300 con, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ngoài ra chị còn nhập thỏ thịt về để cung cấp cho thị trường tiêu thụ, khi khách hàng có nhu cầu chị còn chế biến cho khách.
Ngoài thỏ chị còn chăn gà thịt, mỗi năm xuất từ 300-400 con gà thịt góp phần đáng kể vào kinh tế gia đình. Thỏ thịt của chị không chỉ cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn trong huyện mà còn cung cấp thị trường ngoài huyện và các tỉnh lân cận. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thảo nói: Nuôi thỏ có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Trong thời gian tới, gia đình tôi cũng có dự định mở rộng quy mô nuôi thỏ, đồng thời sẽ tăng cường phối hợp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, cũng như làm đại lý thu mua thỏ cho các hộ nuôi thỏ có nhu cầu trên địa bàn.
Nguyễn Ngân