Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tắt sóng 2G sẽ không thực hiện đồng loạt mà thực hiện theo lộ trình. Mặc dù thời hạn tắt sóng 2G là tháng 9/2024 nhưng tại một số nơi, nhà mạng vẫn có thể duy trì mạng 2G đến tháng 9/2026 để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G, 4G chưa có tính năng gọi thoại theo công nghệ VoLTE.
Khi tắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" sẽ bị "khai tử", người dân sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh, từ đó có thể thuận lợi tiếp cận các dịch vụ hành chính công trên môi trường hiện đại, tốc độ cao, liên lạc thuận tiện hơn khi gọi điện, nhắn tin trên Facebook, Zalo. Doanh nghiệp viễn thông tận dụng nguồn lực, bổ sung tần số cho công nghệ 4G, 5G; đồng thời bớt được các chi phí vận hành hệ thống công nghệ cũ tốn kém, giúp chuyển dịch sang các dịch vụ trên nền tảng dữ liệu, xây dựng nền tảng cho kinh tế số.
Để việc tắt sóng 2G không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến liên lạc của người dân, các doanh nghiệp viễn thông ở Hải Dương đã thông báo đến các địa phương, đơn vị trong tỉnh kế hoạch và lộ trình thực hiện.
Tính đến đầu tháng 12/2023, Viettel Hải Dương còn khoảng 200.000 thuê bao 2G, khoảng 42.000 khách hàng sử dụng điện thoại 2G. Nhà mạng này đã rà soát các trạm 2G. Nếu trạm nào phục vụ nhiều thuê bao 2G nhất thì sẽ ưu tiên để hỗ trợ người dân ở khu vực đó chuyển từ thuê bao 2G lên 4G và bán điện thoại 4G do Viettel phân phối với giá ưu đãi. Ông Đoàn Minh Nghĩa, làm nghề xe ôm ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) phấn khởi cho biết: "Mặc dù chiếc điện thoại "cục gạch" của tôi sắp tới không dùng được nữa nhưng tôi không lo lắng bởi chỉ cần có 290.000 đồng tôi có thể mua được điện thoại 4G của Viettel".
Trong khi đó, VinaPhone Hải Dương đang kiểm tra trạm 2G nào có doanh thu thấp, không hiệu quả sẽ tắt thử, nếu không có phản hồi của khách hàng sẽ tắt hẳn trạm này. Nếu khách hàng có phản hồi, nhà mạng sẽ hướng dẫn khách hàng chuyển sang dùng điện thoại 4G. Đến đầu tháng 12/2023, VinaPhone Hải Dương đã tắt 62 trong tổng số 330 trạm 2G. Theo lộ trình đến hết năm 2024, nhà mạng này sẽ tắt 70% tổng số trạm 2G và đến năm 2025 tắt toàn bộ trạm 2G. MobiPhone Hải Dương cũng tập trung xử lý các vùng lõm 4G để bảo đảm hạ tầng tốt nhất phục vụ cho khách hàng khi tắt sóng 2G.
Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 4.500 hộ nghèo của tỉnh.
Người dân cần cẩn thận để tránh mua phải điện thoại nhái, chỉ hỗ trợ 2G nhưng được can thiệp hiển thị sóng 4G đã xuất hiện ở Việt Nam.