Ngay sau khi Sở NNPTNT hoàn thành dự án khôi phục cống Sồi thuộc đê hữu sông Thái Bình trên địa bàn xã An Thanh để đưa nước sông Thái Bình vào trong khu vực nội đồng, huyện nhà đã triển khai thực hiện dự án cải tạo diện tích cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi tại diện tích bên trong đê tại xã An Thanh. Việc triển khai thực hiện các chính sách sát thực tiễn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ sau 2 năm triển khai dự án, người dân xã An Thanh đã được “hái quả ngọt” trên cánh đồng giàu tiềm năng nơi đây. Không chỉ thu hoạch sản lượng lớn lúa gạo hữu cơ, trên diện tích cải tạo đã xuất hiện con rươi với năng suất từ 15-20 kg/sào, mang đến niềm vui lớn cho bà con nông dân.
Ngay trong nước rươi đầu tiên của tháng 11, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở xóm Độc Lập thôn An Định xã An Thanh đã thu được mẻ rươi gần 1 tạ trên diện tích 6 sào. Đây là diện tích trên chân đất 2 lúa trước đây, nay đã được cải tạo thành ruộng cấy lúa 1 vụ, vụ còn lại khai thác rươi.
Cũng tại cánh đồng cải tạo khai thác rươi của thôn An Định, vụ chiêm năm nay gia đình bà Hà Thị Phương ở xóm Ái Quốc tiếp tục thực hiện việc cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình canh tác hữu cơ giống lúa ST25 một cách nghiêm ngặt. Nhờ đó đến nay, gia đình bà đã có một mùa bội thu cả lúa và rươi. Bà Phương cho biết: băng.
Tham gia dự án cải tạo ruộng cấy lúa để khai thác rươi, gần 500 hộ nông dân ở xã An Thanh đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo ruộng, người dân sẽ cày cấy trồng một vụ lúa hữu cơ, đến khi gặt xong thì làm lại ruộng, đánh rạch, khơi nước, sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng, bảo đảm cho đất xốp, tạo môi trường sạch cho rươi sinh trưởng và phát triển. Được triển khai từ năm 2021, đến nay toàn xã đã có hơn 40 ha diện tích trong đồng có rươi, tạo nguồn thu lớn cho nông dân địa phương. Cùng với diện tích 137 ha khai thác rươi ngoài bãi, diện tích rươi trong đồng đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân.
Theo đề án mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy đã được UBND huyện Tứ Kỳ phê duyệt, xã An Thanh sẽ thực hiện mở rộng thêm 214 ha phía trong đê. Để thực hiện đề án này, địa phương tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật để con rươi không chỉ trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của địa phương, mà còn bảo tồn một “đặc sản” mà đất trời ban tặng cho vùng quê Tứ Kỳ từ bao đời nay. Tuy nhiên, người dân An Thanh cũng rất cần sự tiếp sức của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo thống kê, toàn huyện có 500 ha rươi, cáy đang cho khai thác, địa phương vẫn còn khoảng 150 ha tiềm năng khai thác rươi, cáy ở các xã Nguyên Giáp và Hà Thanh. Việc mở rộng, khai thác diện tích nuôi rươi nội đồng không chỉ tăng sản lượng khai thác, mà còn phát triển vùng du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, bảo tồn nguồn lợi từ thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Nguyễn Ánh