CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Huyện nhà đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại
07/02/2023 03:45:25


Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào hội nhập, kinh tế trang trại được huyện nhà rất quan tâm khuyến khích phát triển. Các trang trại được hình thành là lực lượng nòng cốt thúc đẩy sản xuất trồng trọt và chăn nuôi hàng hoá, qua đó giúp hình thành vùng chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Doan ở thôn Nghi Khê xã Tân Kỳ là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt và nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Từ diện tích ban đầu là 1,3 ha đấu thầu của các hộ nông dân, sau hơn 10 năm, khu liên hiệp chăn nuôi thủy sản của ông Doan hiện có tổng diện tích khoảng 11ha với 20 ao cá lớn nhỏ, 1 khu xử lý nước sạch, 5 mẫu diện tích cỏ chăn nuôi, 500 cây dừa xiêm đã cho thu hoạch, 170 cây cau vua, 170 cây sấu bóng mát, 20 máy bơm công suất lớn nhỏ, 50 máy sục tạo ôxy cho cá. Trang trại đang tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng, doanh thu mỗi năm đạt trên 30 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Doan còn chủ động liên kết nhân rộng mô hình để nhân dân trong xã, các địa phương đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nhau làm giàu.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 75 trang trại, hoạt động ở 19 xã, thị trấn trong đó, có 9 trang trại trồng trọt, 40 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại nuôi trồng thủy sản, 10 trang trại tổng hợp. Dù số hộ làm trang trại đã giảm 40 hộ so với năm 2021, song điều đáng mừng là trong số này có 4 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 4 trang trại có ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các trang trại còn lại đều tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về con giống, cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.

 

Việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua những mô hình kinh tế trang trại, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Đối với các trang trại chăn nuôi, người dân đã từng bước đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố kết hợp với đệm lót sinh học, hầm biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường. Kinh tế trang trại là phương thức khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật,… tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, như: Một số trang trại phát triển tự phát, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, khả năng đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất của các trang trại còn khó khăn. Việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất đối với chủ trang trại còn gặp nhiều trở ngại. Đa phần các trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lãi suất vốn vay còn cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất trang trại. Chất lượng cây con giống sản xuất của trang trại không đồng đều, chưa ổn định; chất lượng sản phẩm làm ra chưa không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc thương lái nên còn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp. Trình độ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của chủ trang trại còn hạn chế; chất lượng lao động làm việc trong trang trại còn thấp. Tình hình thời tiết, dịch bệnh thường xuyên diễn biến hết sức phức tạp; quy trình kỹ thuật sản xuất còn nhiều bất cập, thiếu bền vững; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao gây khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất của trang trại.

 

Để kinh tế trang trại phát huy được tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Nguyễn Ánh
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Dương Hà Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện

Địa chỉ: Số 02, Đường Tây Nguyên, Thị trấn Tứ Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 2020.3747224-Email: ubnd.tuky@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 1
Tháng này: 38,560
Tất cả: 685,411